Thứ Năm, 16 tháng 7, 2015

DÂN TA PHẢI BIẾT SỬ TA, NẾU MÀ KHÔNG BIẾT? THÌ TRA GOOGLE!!! Sao?

"DÂN TA PHẢI BIẾT SỬ TA, NẾU MÀ KHÔNG BIẾT? THÌ TRA GOOGLE!!!"  sao? Thật là nực cười. Google là từ điển sống, là bách khoa toàn thư chắc? Nếu "lịch sử của một nước có thể tra Google mà ra, thì chỉ cần một người có cái đầu một chút, thuê một thằng hâm hâm dở dở có một chút trí tưởng tưởng phong phú + một đội copywriter viết bài, làm video, photoshop ảnh + vài người SEO tốt là được, cần gì xương máu của cha ông, cần gì những mất mát đau thương mà bao thế hệ đã từng trải qua? 

Đầu tiên, nói qua một chút về bác google
Google có thực sự là tất cả tri thức?

Bây giờ, không biết cái gì là hầu hết mọi người đều tra google, nhất là học sinh, sinh viên thì khỏi nói, văn mẫu, luận văn, giải đáp câu hỏi lịch sử và nhiều thứ khác nữa, đều thông qua bác google mà tìm ra. NHƯNG, không phải bác GOOGLE viết ra mấy cái đó đâu mấy cháu, mà là các trang web, blog hoặc những thứ đại loại thế, do một cá nhân hoặc một tổ chức nào đó viết lên. Ngoài các bài viết chất, do nội dung hay mà người đọc click vào đọc nhiều để có thứ hạng cao thì họ còn có thể dùng SEO để tăng thứ hạng bài viết, thậm chí bỏ tiền chạy Ads (chạy quảng cáo) để có thứ hạng cao, xuất hiện ngay trang đầu tiên. Mà nói thật nhá, cùng một vấn đề, có vô số trang họ viết, mỗi trang viết một kiểu, chả biết đâu đúng đâu sai.
Vậy thử hỏi "DÂN TA PHẢI BIẾT SỬ TA, NẾU MÀ KHÔNG BIẾT? THÌ TRA GOOGLE!!!" thì đúng là chỉ cần một người có cái đầu một chút, thuê một thằng hâm hâm dở dở có một chút trí tưởng tưởng phong phú + một đội copywriter viết bài, làm video, photoshop ảnh + vài người SEO tốt là có thể đổi trắng thay đen, xóa tan đi cả mấy nghìn năm lịch sử hào hùng của dân tộc rồi!

Có nên biết về lịch sử hay không?
Biết lịch sử thì tốt, không biết thì cũng không sao ư? Vậy xin hỏi, vì sao Trung Quốc chiếm Hoàng Sa rồi bây giờ là Trường Sa rành rành ra đấy, có ai biết vì sao không? Vì ngay cả đến dân mình còn hoang mang, liệu nó có phải của nước mình hay không thì sao chả bảo các nước khác không nhân cơ hội bấu xé tí chút chứ? Nói thật, cái thời tiểu học ý, mình chả có ấn tượng gì về Hoàng Sa, Trường Sa cả, chắc là bản đồ có in đấy, nhưng mình cũng chả để ý tên gọi nó là gì. Mình được biết, còn có một tờ báo hay tạp chí gì đó về du lịch bị đình chỉ hoạt động 6 tháng do in bản đồ mà không có Hoàng Sa và Trường Sa cơ. Lỗi do đâu ư? Do thầy cô không nhấn mạnh hay do bản thân tự mặc định "ôi dào, biết mấy cái đó để làm gì, sau này có dùng được không?"


Ngay bây giờ, những thứ kiến thức lịch sử căn bản, một vị vua nổi tiếng như Quang Trung mà nhiều người còn không biết, thử hỏi rằng, cứ cái đà "DÂN TA PHẢI BIẾT SỬ TA, NẾU MÀ KHÔNG BIẾT? THÌ TRA GOOGLE!!!" thì 20, 30 40 năm nữa, thì có khi "Hồ Chí Minh là hậu duệ của Hồ Quý Ly" có thể xảy ra lắm chứ, mà đến lúc đó biết đâu có rất nhiều chuyện bịa ra là "Hồ Quý Ly vốn dĩ là hoàng tử của nước Đại Minh", suy ra, Hồ Chí Minh là con cháu Hán tộc suy ra, nhân dân Việt Nam phải biết ơn người Hán mà vì người Hán là bộ phận của người Trung Quốc bây giờ nên suy ra, người dân Việt Nam phải biết ơn người Trung Quốc và vì thế, các bạn nên nhượng lại Trường Sa cho Trung Quốc, chỉ vậy thôi chứ có thấm gì so với cả đất nước tuy nhỏ hơn Trung Quốc nhưng so với các Trường Sa bé tí thì chẳng là gì??? 

Tất cả những chuyện đó, có ai đảm bảo sẽ không xảy ra nếu cứ "DÂN TA PHẢI BIẾT SỬ TA, NẾU MÀ KHÔNG BIẾT? THÌ TRA GOOGLE!!!"???

Bạn có nghĩ mình biết lịch sử Trung Quốc, văn hóa Hàn Quốc nhiều hơn lịch sử, văn hóa Việt Nam?

Nếu bây giờ hỏi "Quang Trung - Nguyễn Huệ có mối quan hệ như thế nào?" hẳn nhiều người Việt không biết câu trả lời. Nhưng thử hỏi vua Càn Long của Đại Thanh bên Trung Quốc là ai, tên hồi nhỏ là gì? Ân sủng tên tham quan nào? Thọ bao nhiêu tuổi? Lên ngôi như thế nào? Quần áo vua mặc thời đó ra sao? Vua ở điện nào trong Hoàng Cung? thì hẳn là rất nhiều người biết nhỉ? 
Tại sao ư? Vì vua Càn Long ý mà, được nhắc đi nhắc lại qua không biết bao nhiêu bộ phim dã sử Trung Quốc rồi. Nổi tiếng là "Hoàn Châu Cách Cách" này, "Bản lĩnh Kỷ Hiểu Lam" này, "Tể tướng Lưng Gù" này ... nhiều vô số kể. 
Nhưng ít ai biết rằng, chính vua Càn Long đã bại trận dưới vua Quang Trung của Việt Nam. Thời đó, Quang Trung đại phá quân Thanh, Càn Long còn phải gả công chúa cho Quang Trung, cắt 2 tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây cho Việt Nam, nhưng thật không may, khi sứ thần đi thay Quang Trung sang Trung Quốc chưa kịp về đã nghe tin dữ vua Quang Trung băng hà. Vua Quang Trung mất đúng vào thời điểm đất nước đang đà xây dựng theo hướng của ông, ông mất đi, nước Việt mới lại rơi vào hỗn chiến. Đã có lần tôi từng ước "giá mà mình có thể xuyên không, mình sẽ tới thời điểm vua Quang Trung sống, coi chừng ngài cẩn thận, không để ngài đột quỵ mà chết" thì Việt Nam đã chẳng rơi vào Trịnh Nguyễn phân tranh, Nam Bắc triều rồi bị Pháp xâm lược... Quang Trung không những đánh trận giỏi mà ông còn có cái nhìn vượt trước thời đại, thi hành nhiều chính sách tiến bộ, cho phát triển chữ Nôm - chữ của dân tộc cải biên lại chữ Hán của Trung Quốc.
Vua Quang Trung (trái) - Vua Càn Long (phải)

Còn nói về văn hóa Hàn Quốc, bạn hãy kể tên các món ăn đặc trưng của Hàn Quốc? Thôi rồi, nào là Kimchi, Kimpap, Cơm trộn, Tokbocki (chả biết viết có đúng chính tả không), mì đen, rượu Sochu và vô số món nữa. Còn hỏi Việt Nam có món nào đặc trưng? Thì chắc các bạn chỉ kể "bánh trưng và bánh giầy". Nhưng nói thật, đó chỉ là món truyền thống trong ngày tết của Việt Nam, còn trong bữa cơm hằng ngày, có món nào là đặc trưng ạ? 
Đó, cái khó của mình đấy ạ. Trong khi các nước họ truyền thông cho văn hóa, lịch sử của họ mạnh thế, thu được bao nhiêu món lợi từ bán thực phẩm, vé tham quan, phim ảnh thì Việt Nam, hoặc là dùng truyền thông để cãi nhau, hoặc là ... không có truyền thông gì hết. Nói nhỏ cho các bạn biết nha, cả cái Đại học Quốc Gia to oành như vậy mà Ký túc xá Mễ Trì và ký túc xá Mĩ Đình chưa có hệ thống mạng đến từng phòng đâu. Mà có mạng một tí là y như rằng, hầu hết các bạn chỉ mau mau doad phim về không lát nữa mọi người truy cập vào đông lại không doad được... còn đâu thời gian mà ngâm với cả cứu với cả tìm hiểu lịch sử, văn hóa nước mình nữa.

Trách ai bây giờ? Trách .... cách truyền thông?

Đúng là mọi việc đều có nguyên nhân của nó. Không phải tự nhiên mà một nhân vật nổi tiếng như Quang Trung - Nguyễn Huệ lại không hề có trong tiềm thức của nhiều người. Đơn giản thôi, họ bị nhồi nhiều quá. Học sinh đi học, hết học trên lớp rồi lại học thêm, hết học thêm rồi về nhà lại có gia sư, bao nhiêu là kiến thức làm sao mà chúng nhớ nổi chứ? Còn nữa, các truyền đạt của thầy cô thì không phải ai cũng dạy hay. Đa phần là đọc đọc, chép chép, thế thì đứa nào muốn học lịch sử nữa? Nói thế, các bác lại tạt gió qua em nói em là anh hùng bàn phím, chứ thực ra, thiếu gì cách đâu? Diễn kịch theo sự kiện lịch sử này, làm thơ, vẽ tranh về lịch sử, xem phim tài liệu, kể chuyện xung quanh nhân vật ... có rất nhiều cách khác nhau mà, liệu họ có làm hay không thôi.
Một cảnh ấn tượng trong phim Mùi cỏ cháy
Nhưng phim thì thế nào cũng bị soi. Giả sử như "Diễn viên nữ xinh, nhưng lại không trang điểm cho đẹp"


Còn về phía học sinh nói riêng và mọi người nói chung, hãy gạt bỏ cái tư tưởng "lịch sử là cái môn nhàm chán nhất, khô khan nhất, không đáng học nhất đi". Chẳng phải, mọi người thấy lịch sử khó thuộc, khó nhớ là do có tư tưởng đó từ trước hay sao? Gì chứ, một khi đã "tự kỉ ám thị" như vậy rồi thì có học, học nữa, học mãi, dùng bao nhiêu phương pháp thì cũng chẳng vào đâu được cái gì hết. Còn nữa, phim lịch sử Việt Nam có phải phim nào cũng là phim cúng cụ đâu? Có người chưa từng xem qua cũng đã mặc định, phim lịch sử khô khan, chán chết, không khắc họa được lịch sử hoành tráng, giống na ná bên tàu, không có đặc trưng riêng... bla bla. Mỗi tác phẩm khi chưa ra đời đã chịu tiếng như vậy rồi, thử hỏi còn ngóc đầu dậy cho công chúng nhìn mặt được không? Mà có ngóc được dậy, họ cũng chả thèm "liếc" lấy một cái đã nghe truyền thông mà "quay gót bước đi" rồi.

Nói người, phải nói đến mình!

Khi đọc đến những dòng này, liệu mọi người có đặt câu hỏi "Cậu viết như vậy, đề ra như vậy, vậy còn cậu thì sao? Cậu có biết gì về lịch sử nước nhà không? Có thể kể đến từng chi tiết không? Đã từng thực hiện biện pháp nào để mọi người dễ nhớ, dễ thuộc lịch sử hơn chưa mà ở đó múa võ mồm?"
Xin thưa rằng, mình không chắc có thể biết hết các chi tiết, nhưng về kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa thì mình biết. Việt Nam có tên gọi đầu tiên là gì, đã trải qua những triều đại nào, những trận đánh oanh liệt của cha ông, và cả một vài câu chuyện xung quanh các nhân vật nổi tiếng kiểu như Ngô Quyền, Lê Đại Hành, Lý Thường Kiệt, Trần Thủ Độ, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung, Hồ Chí Minh thì mình biết ạ! Nói chung cũng đủ dùng, không đến nỗi những kiến thức cơ bản cũng phải "tra Google". 

Mình cũng có thể là một người cuồng lịch sử chăng? Khi mà năm lớp 12, mình "hững hờ" đội tuyển Sinh học của trường để lấn sang cả đội tuyển lịch sử"? Mình cũng hơi hâm hâm một chút là đã làm bài thơ lịch sử dài 196 câu nói về lịch sử Việt Nam từ khi Pháp sang xâm lược đến khi Việt Nam dành độc lập năm 1945. Với mình thì, lịch sử giống như một bộ môn giải trí vậy, nó rất giống với truyện trinh thám vì tài thao lược của ông cha mình khi đánh giặc, lại giống như xem một bộ phim khi đọc được tiểu sử của một nhân vật nào đó...

Tóm lại, mình khuyên các bạn là, dù ít hay nhiều, các bạn cũng không nên tỏ thái độ kiểu "DÂN TA PHẢI BIẾT SỬ TA, NẾU MÀ KHÔNG BIẾT? THÌ TRA GOOGLE!!!". Như vậy, chẳng khác nào các bạn nói: "Ôi dào, biết lịch sử để làm cái gì?". Đúng, nó chả là gì đối với cá nhân các bạn, nhưng với đa số người dân của một đất nước thì nó là một điều cực kỳ nguy hiểm đấy! 

Chủ Nhật, 12 tháng 7, 2015

Đôi chân của bạn có thuộc về CHÍNH BẠN?

"Hãy theo đuổi đam mê và thành công sẽ theo đuổi bạn" là câu nói cửa miệng của tôi khi đang là học sinh lớp 12. Cái tuổi phải đứng trước nhiều ngã rẽ để đi đến mục đích của cuộc đời mình. Đã không ít bạn trong lớp tôi lựa chọn ngành nghề theo sự ép buộc của cha mẹ bởi họ có "ô" trong ngành đó, nhiều bạn chọn ngành vì thấy "Ừ thì nó hon hót, thấy nhiều đứa thi vào đó", nhiều bạn muốn theo đuổi mong ước của mình, nhưng lại sợ không có khả năng.... Có nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng chung quy lại, họ không đi đúng con đường mình mong muốn, không tự đứng trên đôi chân của mình mà dựa vào sức kéo của cha mẹ, dựa vào dòng cuốn của xã hội. 
Thật may mắn cho tôi, tôi đã trải qua những cảm giác đó từ rất sớm và nó đã giúp tôi hiện tại, tự tin mà nói với mọi người rằng "Tôi đang TỰ ĐI bằng đôi chân của mình". 
Tôi viết ra những dòng chia sẻ này, mong rằng các bạn đọc được sẽ tự thấy mình trong đó, dũng cảm lên và đi bằng đôi chân của mình đi.

Nói cách khác, tự đi bằng đôi chân của mình, chính là việc bạn chấp nhận việc điều khiển bản thân chứ không phải để ai khác điều khiển. Tự đi bằng đôi chân của mình là bạn tự chịu trách nhiệm cho bản thân, không đổ lỗi cho người khác. Tự đi bằng đôi chân của mình, chính là tự chủ. Không ai có thể làm bạn mất tự do, trừ khi bạn cho phép họ làm điều đó, đúng không?

Câu chuyện dưới đây của tôi kể về quãng thời gian từ lúc tôi còn bé đến hiện tại, nó giống một dạng tự truyện, nhưng bạn sẽ nhận ra, trong đó là cả một cuộc chiến của tôi, lặng lẽ với vẻ bề ngoài nhưng lại vô cùng dữ dội trong nội tâm. 

Part 1: Khi đôi chân của bạn thuộc về BỐ MẸ!

             Tôi được định hướng từ hồi còn bé xíu rằng sẽ trở thành một bác sĩ hoặc một cô giáo bởi vì bố mẹ tôi đi chấm lá số cho tôi và thầy phán như thế. Tôi cũng vô thức tự nhận rằng, tôi sẽ trở thành một bác sĩ hoặc một cô giáo vì tôi thích bài hát "Em muốn làm cô giáo được yêu những trờ ngoan, búp bê và chim sáo được cô khen đó nghen, em muốn làm bác sĩ mặc chiếc áo trắng tinh, chữa bệnh cho em bé vài phút là khỏi ngay"... Đó là bài hát mà hồi nhỏ tôi thích nhất.

            Học lớp 1, tôi đỗ giải nhất học sinh giỏi tỉnh, lớp 2 đạt giải khuyến khích tỉnh, lớp 3 chỉ đạt giải huyện và đến khi học lớp 4, lớp 5 tôi không đạt bất cứ giải nào vì ... tôi không ra trường chuyên. Lúc đó, trong đầu đứa trẻ 9 tuổi tôi lo lắng rằng, lực học của mình mà so với các bạn trường chuyên thì chỉ có đứng thứ BÉT mất thôi. Với cả, tôi ngán ngẩm khi hằng tuần phải đi bồi giỏi, giải những bài toán mà tôi phải nghĩ đến đau cả đầu. Tuy nhiên, tôi lại rất thích môn Tiếng Việt. Hồi đó, mẹ tôi đi buôn đồng nát sắt vụn (nghề ve chai), mua được những cuốn sách giáo khoa của các anh chị lớp trên, tôi liền đọc ngấu nghiến các tác phẩm văn học trong đó. Tôi thương tâm cho chú chó Mực bị chủ hiểu nhầm, tôi đau lòng trước câu chuyện Chiếc lá cuối cùng,  tôi thổn thức trước câu chuyện của cô bé bán diêm, tôi hả hê đọc thuộc bài thơ "Đom đóm thầy ngỡ là ma, thầy bỏ thầy chạy, rơi khăn rơi đẫy, rơi cả nắm xôi, thầy ngồi thầy véo...". Quãng thời gian đó thật đẹp.

            Nhưng khi lên cấp 2, tôi lại đứng giữa ngã 3 đường. 3 cô giáo dạy môn Toán, Văn và tiếng Anh lần lượt gọi tôi bồi dưỡng học sinh giỏi. Nói thật, tôi cực ghét môn Toán, yêu môn Văn và môn tiếng Anh thì tôi cảm thấy bình thường. Tôi suy nghĩ cẩn trọng. Tôi không muốn thi môn Toán, tôi muốn vào đội tuyển Văn nhất. Nhưng môn Văn sau này có lợi gì cho tôi? Khi mà thời đó ai cũng bảo "học Văn chả để làm gì cả". Nhưng nếu chọn môn Toán, tôi lại vùi đầu vào những con số tính toán, những hình vẽ phức tạp ư? Không, tôi không muốn như thế, và vì vậy, tôi đã viết trong nhật kí của mình rằng tôi sẽ chọn môn tiếng Anh. Nó sẽ khắc phục được 2 nhược điểm kia.
Những tính toán trong đầu tôi là như vậy, tôi chỉ có thể tâm sự với cuốn nhật kí kia chứ không dám nói cho gia đình tôi biết và rồi không nằm ngoài dự tính của tôi, dưới sức ép của gia đình và mọi người, tôi buộc phải vào đội tuyển toán.

            Tôi không thích nhưng vẫn phải cố gắng nhồi nhét vào đầu. Nói thật, tôi đã không cố gắng hết sức bởi Toán không phải là môn tôi yêu thích. Mang danh đội tuyển toán, nhưng môn Văn của tôi không hề kém cạnh các bạn học đội tuyển Văn. Hết năm học lớp 6, tôi được cô giáo đánh giá đứng đầu toàn khối về môn Văn, còn môn Toán thì không, tôi chỉ xếp thứ 2 nhưng vẫn được chọn đi thi học sinh giỏi vì có chỉ tiêu là 2 người. Đi thi, tôi không thể tự tin là mình sẽ đỗ và đúng là như vậy, tôi trượt học sinh giỏi. Không những năm lớp 6 mà cả 2 sau đó: lớp 7 và lớp 8 tôi đều trượt học sinh giỏi môn Toán.

              Tôi cảm thấy, ai cũng ngờ vực về sức học của tôi. Tại sao tôi lại không đỗ? Tôi vốn nổi tiếng toàn xã từ năm lớp 1 vì đỗ giải nhất học sinh giỏi tỉnh, chăm chỉ, ngoan ngoãn, thành tích học tập và hoạt động ngoại khóa luôn đứng đầu cơ mà. Bố mẹ thất vọng, thầy cô thất vọng, bạn bè cũng thất vọng và tôi cũng thất vọng với chính bản thân mình. Các bạn tôi, vốn sức học không thể bằng tôi, nhưng họ chọn môn Văn, môn Tiếng Anh nên vẫn đỗ học sinh giỏi. Tôi nhớ năm lớp 7, hầu hết các bạn đi thi đều đỗ, trừ tôi ra. Tôi tủi thân vô cùng, đi học tôi thường đi sớm hơn để tránh các bạn, đi về, tôi lấy cớ ở lại kiểm tra lớp học mà lui lại đi sau các bạn. Những người bạn đó đã rất thân với tôi, tôi luôn tràn đầy tự tin khi đi bên họ, vậy mà giờ đây, tôi cảm thấy tôi bị tụt dốc, tôi đã không còn xứng với đẳng cấp đó nữa rồi. Tôi ... tôi ... thấy mình thua kém, thấy mình giống như một đứa ăn mày đi giữa đám con nhà giàu vậy. Tôi tốn không biết bao nhiêu giấy mực để tâm sự với trang nhật ký, tôi tự viết thư động viên mình, tôi cố tỏ ra bình thường trước mọi người và dường như tôi đã thành công với bề ngoài kiên cường đó, nhưng không một ai biết được rằng, tôi đã phải chịu sự buồn bã, cô đơn đến dường nào. Không một ai tôi có thể tin tưởng để tâm sự. Không một ai, không một ai hết.

          Hết lớp 8, tôi cảm tưởng như mình đang bị ngạt thở trước bầu không khí này. Không một người bạn tôi có thể tin tưởng, không một người thân tôi có thể tâm sự, chỉ có nhật ký, nhật ký làm tôi vơi đi nỗi buồn. Tôi nhận ra rằng, dường như mình đang bị tự kỷ mất rồi, tại sao mình không nói cho ai biết sự buồn bã của mình? Bạn bè rất đông mà, nhưng nếu nói ra, tôi sợ các bạn sẽ nghĩ, hóa ra tôi cũng thật là mềm yếu, tôi cũng chỉ như vậy mà thôi. Tôi còn nghĩ, họ đã rất hả hê khi trước đây tôi kiêu ngạo bao nhiêu thì giờ đây tôi "xẹp lép" bấy nhiêu. Tôi bị dìm trước một biển bạn bè mà trước đây tôi coi mình là NHẤT. Còn bố mẹ? Bố mẹ luôn cho rằng, tôi đã không cố gắng hết sức nên mới để xảy ra tình trạng này. Mà đúng là tôi đã không cố gắng hết sức. Vì sao ư? Vì tôi GHÉT môn toán, vì tôi KHÔNG TỰ TIN vào bản thân mình.

         Dường như con đường bố mẹ xây cho tôi trở thành một đường hầm dài vô tận, tối om và thiếu sinh khí. Tôi như đang phải cầm cự từng hơi thở của mình, tiết kiệm từng chút sức lực để đi tiếp. Bố mẹ vẫn đi cùng tôi, nhưng họ không hiểu rằng đôi chân của tôi không thể thích nghi được với môi trường như vậy. Còn họ vẫn đi, vì họ tin rằng đã chọn đúng con đường cho tôi. Trong cả quãng đường 3 năm: lớp 6, lớp 7, lớp 8, đã nhiều lần tôi định buông tay bố mẹ, chọn đội tuyển Văn mà tôi yêu thích. Cô giáo vẫn luôn vẫy tay chào đón tôi mỗi lần tôi đi qua ngã rẽ đó, nhưng tôi không đủ dũng khí để nghe con tim mình mách bảo. Tôi không đủ can đảm để có thể chịu trách nhiệm với quyết định của bản thân mình. Đi với bố mẹ, ít nhất tôi còn có cái để trách móc, đổ lỗi (nếu chẳng may tôi vấp ngã hoặc thất bại) :"Tại bố mẹ mà con thế này"... Tôi vẫn luôn sợ hãi như vậy, luôn vô trách nhiệm với bản thân mình như vậy, cho đến một ngày, tôi cảm thấy mình không thể cầm cự được nữa rồi. Tôi phải thoát khỏi cái hầm tối om và thiếu sinh khí đó, tôi phải đi trên con đường mà tôi cảm thấy thoải mái hơn. Dù nó có chông gai, dù nó có nhiều chướng ngại, nhưng thà đau nhưng có sức để vượt qua, còn hơn không bị đau nhưng tôi chẳng có sinh khí để thở. Tôi thà chết đau còn hơn chết vì ngạt. Quả thực, tôi đã chịu hết nổi rồi. Và vì vậy, năm lớp 9 tôi đã buông tay khỏi bố mẹ và rẽ sang con đường khác. Tự chịu trách nhiệm với chính bản thân mình, lấy lại vinh quang trước đây tôi đã đánh mất.